16+ Các Loại Da - Làm Sao Biết Da Mình Thuộc Loại Nào

16+ Các Loại Da Khác Nhau và Cách Nhận Biết Dễ DÀNG

Trên thị trường hiện nay có quá nhiều sản phẩm chăm sóc da như kem chống nắng, kem trị mụn, nhưng không phải sản phẩm nào cũng có thể dùng được trên da mặt của bạn.

Điều quan trọng là bạn phải biết cách nhận biết da mặt thuộc loại nào, để từ đó có thể chọn được loại sản phẩm phù hợp với bản thân mình.

Liệu Bạn Đã Bắt Kịp Thông Tin Về Việc Phân Loại Da?

1. Hệ Thống Phân Loại Da Cũ

Có lẽ các bạn đã không còn lạ lẫm với các loại da: da dầu (da nhờn), da khô, da thường, da nhạy cảm và da hỗn hợp.

Như đã đề cập trước đó, hệ thống phân loại này đã ra đời hơn 100 năm qua, do một doanh nhân trong lĩnh vực kinh doanh mỹ phẩm đề xuất nên giá trị về mặt khoa học không cao

Cũng như sự phát triển mạnh mẽ của nền công nghiệp mỹ phẩm đã đặt ra một nhu cầu hiểu về làn da toàn diện để lựa chọn được sản phẩm phù hợp là rất quan trọng.

Với bản phân loại các loại da mặt như hiện nay, chúng ta chỉ có thể đánh giá được một phần các đặc tính của da, chứ chưa thể khai thác tường tận và đầy đủ được.

Liệu có đơn giản kiểu da của một người chỉ là khô hoặc dầu hoặc nhạy cảm?

2. Hệ Thống Phân Loại Da Baumann (Baumann Skin Type Indicator – BSTI)

Được đúc kết từ hàng chục năm kinh nghiệm của bác sĩ Leslie Baumann. Leslie Baumann là một bác sĩ da liễu tại Hoa Kỳ.

Là tác giả của quyển sách da liễu thẩm mỹ nổi tiếng Cosmetic Dermatology, được nhiều bác sĩ da liễu khác trên thế giới xem là quyển sách quan trọng hàng đầu trong lĩnh vực da liễu thẩm mỹ. 

Bà còn là người sáng lập nên trung thâm da liễu thẩm mỹ tại đại học Miami vào năm 1997, người sáng lập và là CEO của viện nghiên cứu và thẩm mỹ Baumann.

Hệ thống này đánh giá làn da của mỗi người thông qua 4 tiêu chí:

Nhờ vào 4 tiêu chí này, bác sĩ da liễu hoặc bản thân bạn có thể biết được mình thuộc loại da nào, từ đó sẽ lựa chọn được các dòng mỹ phẩm phù hợp với da, tránh lãng phí tiền bạc lẫn thời gian để chọn lựa sai mỹ phẩm, cũng như hạn chế các bệnh về da vì sử dụng sai mỹ phẩm.

Nào chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu rõ về hệ thống phân loại da mới này nhé.

Các Loại Da

Bảng phân loại da của Leslie Baumann (Baumann Skin Type Indicator – BSTI) có nhiều tiêu chí đánh giá hơn bảng phân loại cũ, gồm 4 tiêu chí:  

Độ ẩm của da: khô (dry) hay dầu (oily)
Mức độ nhạy cảm: nhạy cảm (sensitive) hay đề kháng (resistant)
Sắc tố da : Có sắc tố và không sắc tố
Mức độ căng da: có nếp nhan (wrinkled) hay không có nếp nhan (tight)

Với hệ thống 4 tiêu chí trên, sẽ có tổng cộng 16 loại da mặt khác nhau. 

Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu kĩ hơn về 4 tiêu chí này, đặc điểm của 16 loại da từ đó hướng dẫn lựa chọn nhóm mỹ phẩm, dược mỹ phẩm phù hợp. 

Sự thay đổi loại da của một người cũng sẽ là một vấn đề chính mà HiBacSi sẽ trình bày trong bài viết này đến bạn. 

Kiểu da không nhất thiết sẽ luôn hằng định mà có thể sẽ thay đổi nếu như môi trường bên ngoài thay đổi, hoặc cơ thể bên trong thay đổi (stress, mang thai, mãn kinh,…) 

Tiêu Chí 1: Độ Ẩm Của Da (Skin Hydration)

Da khô (dry skin) là tình trạng da giảm độ ẩm, giảm lượng nước chứa bên trong các tế bào da, gây ra bởi suy yếu hàng rào da, thiếu hụt các yếu tốt dưỡng ẩm tự nhiên NMF (natural moisturizing factors) ở da, hoặc đôi khi là giảm sản xuất chất bã nhờn.

Da dầu (oily skin) thì ngược lại, là tình trạng da tang tiết dầu, thường đa phần gây ra bởi tế bào da tang sản xuất chất bã nhờn. 

Cũng có một số trường hợp đó là kết hợp cả tình trạng khô lẫn dầu, lúc này gọi là làn da hỗn hợp (combination skin), khô ở 2 bên má và dầu nhiều ở vùng chữ T giữa mặt (trán, mũi và cằm)

Nhận biết kiểu da dầu: 

  • Sau khoảng 1 giờ sau khi rửa mặt sạch sẽ, với điều kiện bạn không thoa bất cứ thứ thuốc hay mỹ phẩm gì lên da mặt, bạn soi gương sẽ thấy da mặt căng, ẩm và bóng dầu.
  • Lỗ chân long to
  • Da mặt có mụn ẩn dưới da (mụn đầu đen, mụn đầu trắng)
  • Sau khi thoa kem dưỡng ẩm được khoảng 1 giờ, bạn thấy da mặt bóng dầu, hoặc đôi khi bết kem

Nhận biết kiểu da khô: 

  • Sau khi rửa mặt sạch sẽ được 1 giờ, không thoa bất cứ gì lên da mặt, bạn thấy da mặt khô, tróc da, màu nhợt nhạt
  • Ít hoặc không có mụn ẩn dưới da
  • Sau khi thoa kem dưỡng ẩm, hoặc kem chống nắng hoặc kem lót, bạn vẫn thấy da khô, lớp mỹ phẩm khô nứt
  • Ở trong phòng máy lạnh thấy da khô, ngứa
Chăm Sóc Da Khô, Da Dầu Như Thế Nào Là Đúng?

Da dầu (oily skin) rất khó để điều trị triệt để, bởi vì hiện nay không có bất kì loại thuốc thoa nào có thể làm giảm đáng kể sự sản xuất và bài xuất chất bã nhờn. 

Sửa rửa mặt dành cho loại da này cần khả năng tạo bọt (foaming), chứa thành phần acid salicylic. Sản phẩm dưỡng ẩm thường không quá cần thiết đối với loại da này, trong trường hợp cần phải sử dụng thì dưỡng ẩm dạng lotion là lựa chọn thích hợp nhất. 

Hầu hết type da dầu xuất hiện nhiều ở độ tuổi dưới 40, và đi kèm với kiểu da này là tình trạng mụn trứng cá. 

Các loại mỹ phẩm hay thuốc thoa ở dạng gel, serum thích hợp với kiểu da này hơn là ở dạng kem.

Da khô (dry skin) ngược lại, nên tránh các loại sản phẩm rửa mặt tạo bọt, vì với kiểu da này, các yếu tố dưỡng ẩm, lipids giúp duy trì độ ẩm cho da đã thấp, việc sử dụng các loại sản phẩm rửa mặt tạo bọt lại khiến tẩy rửa thêm các yếu tố này, khiến da ngày càng khô hơn. 

Sản phẩm dưỡng ẩm lại rất cần thiết và nên được sử dụng nhiều trên làn da khô. Việc lựa chọn sản phẩm dưỡng ẩm thích hợp lại tùy thuộc vào mức độ khô da của bạn, khả năng giữ nước cho da và phục hôi làn da của bản thân sản phẩm dưỡng ẩm.

Tiêu Chí 2: Độ Nhạy Cảm Của Da (Skin Sensitivity)

Da nhạy cảm (sensitive skin) đặc trưng bởi tình trạng viêm, với biểu hiện thông thường là mụn trứng cá (acne), trứng cá đỏ (rosacea), da nổi ban (skin rashes) hay cảm giác châm chích, bỏng rát. 

Khi xác định da của một người là da nhạy cảm, điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho bác sĩ da liễu xác định được các loại thuốc thoa hay mỹ phẩm nào là phù hợp, loại nào cần tránh để tránh bị dị ứng.

Da đề kháng (resistant skin) đặc trưng bởi lớp sừng vô cùng mạnh mẽ, giúp bảo vệ một cách hiệu quả trước các tác nhân gây dị ứng (allergens), môi trường xung quanh,…

Những bạn sở hữu kiểu da đề kháng thường ít khi than phiền về các triệu chứng như những bạn có làn da nhạy cảm. 

Nói chung, khi bạn có làn da này, da của bạn có thể hợp được với rất nhiều loại mỹ phẩm, thuốc thoa hay chịu đựng tốt, phục hồi tốt trước các thủ thuật cho da (chiếu tia laser, lăn kim, lột hóa chất,…) hăn hẳn với bạn có làn da nhạy cảm.

Nhận biết kiểu da nhạy cảm: 

  • Da mặt bạn thường nổi mụn
  • Sử dụng mỹ phẩm lạ hoặc mới đổi dễ khiến da mặt dị ứng, ngứa, nổi mẩn đỏ
  • Không những da mặt, việc đeo trang sức cũng đôi khi khiến da của bạn dị ứng
  • Uống rượu bia gây đỏ da mặt, hoặc da mặt và cổ nổi mẩn đỏ khi lo âu, căng thẳng hoặc tập thể dục nặng
  • Dễ bị dị ứng ứng với nước hoa hay các sản phẩm chứa mùi thơm

Nhận biết kiểu da nhạy đề kháng: 

  • Da mặt không có mụn hoặc rất ít khi nổi mụn, nếu có thì rất ít
  • Sử dụng các loại mỹ phẩm thoải mái mà chưa ghi nhận tình trạng dị ứng

  • Sử dụng nước hoa hay các sản phẩm chứa mùi thơm không bị dị ứng

  • Uống rượu bia không nổi đỏ da mặt

Chăm Sóc Cho Da Nhạy Cảm, Da Đề Kháng Như Thế Nào?

Với bạn sở hữu kiểu da đề kháng, như đã đề cập, bạn có thể thoải mái sử dụng rất nhiều loại mỹ phẩm hay thuốc thoa khác nhau, các thủ thuật khác nhau mà rất ít khi làn da phản ứng, dị ứng hay xuất hiện tác dụng phụ (mụn trứng cá, da nổi ban đỏ, ngứa, châm chích). 

Tuy nhiên, vì sở hữu lớp sừng bảo vệ mạnh mẽ như vậy, da đề kháng rất ít khi nhận được những tác dụng có lợi của các loại thuốc thoa, mỹ phẩm nếu như không sử dụng những thuốc này ở nồng độ cao hơn, bởi thuốc sẽ khó khan hơn để thấm nhấp qua da.

Với kiểu da nhạy cảm, da nổi ban đỏ, ngứa, châm chích hay đôi khi nổi mụn là những triệu chứng thường gặp trong quá trình sử sụng thuốc thoa, mỹ phẩm. Để giải quyết vấn đề này, bác sĩ da liễu thường sử dụng kèm thêm một loại thuốc thoa có tác dụng giảm viêm. Thuốc giảm viêm có rất nhiều loại mạnh nhẹ khác nhau, đi kèm với đó liều lưỡng cũng khá đa dạng, đòi hỏi cần có sự tư vấn của một bác sĩ chuyên khoa da liễu. Vậy nên với bạn có làn da nhạy cảm và đã xuất hiện những vấn đề dị ứng trên đây, bạn có thể liên hệ trực tiếp với HiBacSi để nhận được sự tư vấn hoặc đến khám một phòng khám da liễu gần nhà, HiBacSi khuyên cáo bạn không nên tự ý lựa chọn thuốc giảm viêm, hay sự kê đơn tùy ý của nhà thuốc tây mà không có kiến thức chuyên khoa. Ngoài ra, với kiểu da nhạy cảm, bạn cũng nên lưu ý một điều đó là tránh đụng chạm, cọ xát hay cào gãi lên da mặt, vì da rất dễ bị dị ứng, khiến tình trạng dị ứng ngày một nặng thêm.

Tiêu Chí 3: Sắc Tố Da (Skin Pigmentation)

Tuy gọi là sắc tố nhưng thật ra tiêu chí này không được xác định dựa trên màu sắc da, mà dựa trên “khả năng da của bạn sẽ bị thâm nhiều đến mức nào”.

Để dễ hiểu điều này, HiBacSi sẽ đưa ra ví dụ sau để bạn dễ hình dung, bạn cùng một số người bạn dành một ngày tắm biển ngoài trời, sau một ngày trời tắm biển dưới ánh nắng mặt trời như vậy, sẽ có một số bạn da bị sạm đen, và mức độ sạm đen sẽ khác nhau ở mỗi bạn, có bạn sẽ sạm nhiều, có bạn sạm ít. Khi đó, bạn bị sạm nhiều sẽ được xác định là kiểu da sắc tố (pigmented), bạn ít bị sạm hoặc không sạm mà chỉ bị bỏng da thì được xác định là kiểu da không sắc tố (nonpigmented), kiểu không sắc tố này lại phổ biến ở phương Tây với làn da trắng, người châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng đa phần thuộc kiểu da sắc tố.

Nhận biết kiểu da sắc tố: 

  • Thường gặp ở người châu Á, da vàng

  • Trên mặt thường có tàn nhan, đốm nâu

  • Nếu như tiếp xúc ánh nắng thì dễ bắt nắng, sạm da, mất vài tháng làn da mới trở về màu da bình thường nếu biết cách chống nắng hợp lí

Nhận biết kiểu da không sắc tố: 

  • Thường gặp ở người châu Âu, da trắng

  • Tiếp xúc ánh nắng không gây sạm đen da, thay vào đó là đỏ da (sunburn), mất vài ngày là da trở về màu sắc bình thường nếu chống nắng hợp lí

Chăm Sóc Cho Da Sắc Tố, Da Không Sắc Tố Như Thế Nào?

Với bạn có kiểu da “N”, hầu như không cần bất cứ mỹ phẩm hay thuốc đặc trị gì. 

Tuy nhiên, với kiểu da “P” thì lại khác, kiểu da “P” sẽ được cải thiện thẩm mỹ hơn nhờ các loại thuốc có tác dụng làm trắng sáng da (arbutin, hydroquinone, kojic acid, glutathione, acid tranexamic. 

Các bạn có thể tìm hiểu kỹ hơn về các thuốc làm trắng da trong bài viết khác của HiBacSi. (Xem chủ đề về làm trắng da)

Không những vậy, các thuốc trên còn có tác dụng phòng ngừa lẫn điều trị các bệnh da sắc tố (tàn nhan, đốm nâu, rám má,…) trên da mặt của bạn, đặc biệt thường xuất hiện ở kiểu da “P”.

Tiêu Chí 4: Mức Độ Lão Hóa Da

Tiêu chí này của bảng phân loại BSTI sẽ giúp bác sĩ da liễu, hay chính bản thân bạn biết được nguy cơ sẽ xuất hiện nếp nhan trên làn da của bạn. 

Bộ câu hỏi sẽ khai thác thông tin về bạn: mức độ tiếp xúc ánh sáng mặt trời, hút thuốc lá, mức độ nếp nhan của người thân…từ đó sẽ dự đoán được nguy cơ xuất hiện nếp nhan của bạn. 

Nếu như từ bộ câu hỏi BSTI và bạn được xác định là kiểu da có nếp nhan, hay kiểu da “W”, có thể ngay tại thời điểm thực hiện việc xác định da của bạn vẫn chưa có nếp nhan, nhưng bác sĩ da liễu sẽ tư vấn cho bạn ngay các phương pháp hiệu quả khác nhau để giúp bạn kéo dài thời gian xuất hiện nếp nhan càng dài càng tốt, vì bản thân bạn có thể sẽ xuất hiện nếp nhan sớm hơn người bình thường xung quanh. 

Kinh nghiệm cho thấy những bạn có làn da trắng thường xuất hiện nếp nhan sớm hơn so với bạn có làn da sạm hơn. Các loại thuốc thoa retinoids, kem chống nắng (sunscreen), và các thuốc chống oxy hóa là những chiến lược sẽ được sử dụng cho những bạn có kiểu da “W”.

Kết Hợp 4 Tiêu Chí và Ứng Dụng

Với mỗi tiêu chí trên đây giúp bác sĩ da liễu, nhà cung cấp mỹ phẩm lẫn bản thân bạn, người tiêu dùng hiểu thêm một khía cạnh của làn da mình.

Nhưng để hiểu đầy đủ và có được cái nhìn toàn cảnh về làn da, HiBacSi khuyên bạn cần đánh giá cùng lúc cả 4 tiêu chí trên, tổng hợp lại, khi đó làn da của bạn sẽ là một trong 16 kiểu da theo hệ thống phân loại BSTI.

Sau khi có kết quả về loại da của mình, bác sĩ da liễu sẽ đưa ra những lời tư vấn chăm sóc da, sử dụng mỹ phẩm, thuốc thoa hay thực hiện các thủ thuật da liễu (chiếu tia laser, IPL, lột hóa chất, lăn kim,…) phù hợp nhất với trường hợp của bạn.

Để giúp bạn dễ hình dung, HiBacSi sẽ đưa ra một số ví dụ sau đây:

  • Sau khi đánh giá theo BSTI, da của bạn thuộc loại DSNT: Khô (D), Nhạy cảm (S), Không sắc tố (N) và Căng (T), thì chính các sản phẩm dưỡng ẩm là thứ mang lại rất nhiều lợi ích cho làn da của bạn, giúp da bạn bớt khô (D), phục hồi lại hàng rào da, qua đó cải thiện đáng kể tình trạng nhạy cảm (S).
  • Với những bạn có loại da OSNW: Dầu (O), Nhạy cảm (S), Không sắc tố (N), Nếp nhan (W). Các thuốc thoa chứa Retinoids kết hợp với các thuốc chống oxy hóa (antioxidants) sẽ mang lại nhiều lợi ích nhất vì bản thân thuốc thoa retinoids sẽ giúp da bớt dầu (O), có tác dụng phòng ngừa lẫn trị mụn trứng cá hiệu quả, qua đó cải thiện tình trạng nhạy cảm (S). Các thuốc chống oxy hóa giúp da giảm nguy cơ xuất hiện nếp nhan hơn (W).

Chính vì vậy, ngoài việc nhìn da mặt để đánh giá, bạn cần thực hiện bảng câu hỏi xác định loại da BSTI của bác sĩ Baumann để có thể xác định mình thuộc loại da nào trong 16 loại da. 

Chưa hết, việc đánh giá loại da cũng nên được thực hiện đều đặn định kỳ vì loại da của bạn sẽ còn thay đổi dựa vào tình trạng stress, thai kỳ, mãn kinh, môi trường xung quanh,…

Từ đó bác sĩ da liễu sẽ giúp bạn điều chỉnh cách chăm sóc và sử dụng mỹ phẩm, thuốc thoa hợp lí.

Xác Định Loại Da Của Bạn

Đây có lẽ chính là phần bạn mong đợi nhất trong bài viết này của HiBacSi. 

Trên đây là phần HiBacSi giúp bạn có một cái nhìn tổng quan về hệ thống phân loại da mới, cũng như lợi ích khi thực hiện phân loại da theo hệ thống này. 

Tuy nhiên, nhược điểm của hệ thống phân loại này sẽ khiến cho nhiều bạn cảm thấy “phiền” để thực hiện (vì có tới khoảng 60 câu hỏi để đánh giá).

Chính vì vậy HiBacSi sẽ điều chỉnh hệ thống này kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin để tăng độ chính xác trong xác định loại da nhưng vẫn không hề làm phức tạp quá trình khiến bạn thấy tiện lợi hơn, thoải mái hơn khi thực hiện phân loại da.

Bạn có thể thực hiện xác định loại da của mình nhanh chóng và tiện lợi nhất bằng cách liên hệ trực tiếp với bác sĩ da liễu của HiBacSi, hoặc có thể tự mình đánh giá kiểu da thông qua việc tìm hiểu thông tin phía dưới mà HiBacSi sẽ trình bày tiếp dưới đây cho bạn.

Câu Hỏi Thường Gặp

da dầu và da nhờn khác nhau như thế nào?

  • Phạm Trần Ngọc Nhung says:

    Xin chào HiBacSi, đầu tiên tôi muốn nói rằng bài viết này rất hay và bổ ích, nó giúp tôi hiểu rõ về làn da của mình hơn. HiBacSi có thể cho tôi xin bộ câu hỏi BSTI để tôi có thể tự đánh giá về da của mình được không?. Nếu được hãy gửi qua mail cho tôi nhé. Cảm ơn HiBacSi, chúc HiBacSi sẽ có nhiều bài viết hay và bổ ích hơn nữa để giúp mọi người nâng cao kiến thức về da liễu và sức khỏe hơn nhé!

  • >

    [Tải Ngay] ebook chăm sóc da giúp ngăn ngừa mụn quay trở lại

    +5000 người đã nhận tài liệu miễn phí này